Đánh thuế nhà từ 700 triệu có thể sẽ làm cho người mua nhà nhụt chí

Theo nhận định, phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, mức thuế nhà từ 0.3%  - 0.4% được Bộ tài chính đưa ra là quá cao so với thu nhập hiện nay của người dân, Nếu áp dụng mức thuế này có thể sẽ khiến cho nhiều người từ bỏ ý định mua nhà.

Đánh thuế nhà từ 700 triệu có thể sẽ làm cho người mua nhà nhụt chí


Mua nhà phải chịu quá nhiều thuế, phí?

Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, Luật Thuế tài sản được ban hành vào thời điểm hiện tại có thể sẽ tác động lớn đến thị trường và các giao dịch tại thị trường BĐS chung và người chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo phân tích ngược lại, việc đánh thuế tài sản này sẽ góp phần lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần làm cho thị trường BĐS trở nên minh bạch hơn, tuy nhiên cũng có thể sẽ khiến cho người tiêu dùng vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn...

Đánh thuế tài sản sẽ khiến người mua nhà thêm gánh nặng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh phân tích: Ở nước ta, hiện nay chưa thu thuế nhà ở, chỉ thu tiền sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở, theo quy định của "Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp" năm 2010. Mức thuế phải nộp được tính theo bảng giá đất của cấp tỉnh, với thuế suất 0,03% (đối với đất ở trong hạn mức); 0,07% (đối với phần diện tích không quá 3 lần hạn mức); 0,15% (đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức). 
Đánh thuế nhà từ 700 triệu có thể sẽ làm cho người mua nhà nhụt chí

Tại nhiều nước có thu thuế nhà ở, điểm khác biệt cơ bản là đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách "tiền sử dụng đất" như ở nước ta. "Tiền sử dụng đất" ở Việt Nam hiện nay được quy định bởi Luật Đất đai, là một nguồn thu quan trọng của ngân sách.

Các chủ đầu tư dự án bất động sản đang phải nộp "tiền sử dụng đất" rất lớn, bằng khoảng 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Gánh nặng này cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu do bị tính vào giá bán nhà.

"Tiền sử dụng đất đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư, khoảng 30% trong giá thành nhà phố, khoảng 50% trong giá thành biệt thự", ông Châu cho hay.

Hiệp hội tán thành việc bãi bỏ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp nếu ban hành Luật Thuế tài sản như dự thảo đã đề xuất.

Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng cần phải đặt câu hỏi mục đích ban hành chính sách thuế này là gì, từ đó mới có thể trả lời câu hỏi việc ban hành Luật Thuế tài sản xuất phát từ nhu cầu thu ngân sách hay bảo đảm sự công bằng giữa người nghèo với những người sở hữu nhiều tài sản lớn, hay vì tình trạng đầu cơ nhà đất nên phải đánh thuế tài sản.

"Trong bối cảnh thu nhập bình quân của người Việt Nam còn thấp, ngoài việc phải lo cho đời sống hàng ngày còn phải chịu thêm thuế tài sản liệu có bảo đảm được cuộc sống không? Khi mua một căn chung cư, ngoài tiền nhà, người dân còn phải chịu nhiều khoản tiền dịch vụ khác. Vì vậy, cần xem xét việc đánh thuế tài sản một cách thận trọng", chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị.

Mức thuế cao sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản

Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế với nhà ở trị giá trên 700 triệu đồng là không hợp lý vì hiện nay giá nhà, nhất là nhà tại các đô thị rất cao. Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đề nghị áp dụng không thu thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để thu hẹp diện đối tượng chịu thuế và hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.

Hiệp hội này cho rằng Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống là chưa thỏa đáng.

Nhà ở xã hội sẽ không thuộc diện phải chịu thuế theo dự thảo của Bộ Tài chính.
Hiệp hội tán thành việc miễn thuế tài sản đối với nhà ở xã hội trong đề án Luật. Hiệp hội kiến nghị miễn hoặc tối thiểu giảm 50% số thuế nhà đất phải nộp đối với nhà ở tái định cư; các vườn ươm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế 0,4% với nhà trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, so với mức tiền sử dụng đất 0,03% hiện nay đối với đất ở trong hạn mức thì cao hơn 13 lần, dẫn tới khả năng có thể có những hộ gia đình gặp khó trong việc nộp thuế.

Trong trường hợp chưa sửa đổi chế định tiền sử dụng đất trong Luật Đất đai theo hướng giảm tiền sử dụng đất mà Quốc hội vẫn xem xét thông qua đề án Luật Thuế tài sản thì Hiệp hội đề xuất chỉ áp dụng thuế suất không quá 0,1% đánh trên nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng.

"Hiện nay, lệ phí trước bạ nhà đất đánh trên mỗi lần chuyển nhượng đã được giảm về mức 0,5%, còn thuế tài sản (nhà đất) là khoản thuế mà người có tài sản phải nộp thường xuyên hàng năm, nên thuế suất thấp hơn mức lệ phí trước bạ là hợp lý và nhất là người mua nhà đã phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi mua nhà", ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Về thời điểm ban hành dự luật, ông Châu cho là chưa phù hợp. Vừa mới đây, vào tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và đã quyết định chưa thí điểm đánh thuế tài sản tại thành phố. Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị xem xét, ban hành Luật Thuế tài sản sau thời điểm năm 2020 đồng bộ với việc sửa đổi Luật Đất đai để giảm mức thu tiền sử dụng đất.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, cách tính thuế tài sản với nhà, đất của Bộ Tài chính làm mất cơ hội mua nhà của nhiều đôi vợ chồng trẻ. "Làm một phép tính đơn giản, ở các quốc gia khác, giá nhà gấp 4 - 5 lần so với thu nhập bình quân của người dân. Nhưng ở Việt Nam, khoảng cách này là gấp 20 - 25 lần. Việc áp một mức thuế suất cao từ 0,3 - 0,4% sẽ làm thui chột ý định mua nhà của nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản mới khôi phục trong 1, 2 năm gần đây", ông Long nói.