Chiều 29/5 đã là ngày thứ 5 từ sau trận mưa lớn ở Hà Nội kể từ đêm 24/5 vừa qua. Tuy nhiên, một vài nơi ở khu đô thị Linh Đàm, Cầu Giấy, đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ… cuộc sống người dân vẫn chưa trở lại bình thường. Đặc biệt, khu đô thị Dương Nội, Hà Đông nước vẫn chưa rút hoàn toàn.
5 ngày sau trận mưa, người dân Dương Nội vẫn phải đi lại bằng cầu tạm. |
Cả chung cư “đu” một cây cầu tạm
Do ách tắc giao thông vì ngập nước, Ban Quản lý khu chung cư HH2-Spark (thuộc KĐT Dương Nội) phải bắc cầu tạm để người dân lưu thông. “Mới chỉ một trận mưa lớn mà cả chung cư đã phải đi lại bằng cầu tạm, không biết đến mùa mưa thì khu vực này sẽ như thế nào? Nước ngập sâu như vậy rất ô nhiễm, dễ tạo ra những ổ dịch bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ”, chị Đăng Thị Thu Hiền (ở tầng 6, tòa nhà HH2) bức xúc nói.
Theo cư dân khu HH2, mặc dù tình trạng ngập úng xảy ra nhiều ngày qua nhưng công ty thoát nước và chủ đầu tư tòa nhà vẫn “bó tay” với tình trạng nước ứ đọng. Từ ngày 24/5, nước bủa vây mọi lối ra vào khiến cuộc sống người dân dường như bị cô lập. Có những vị trí nước ngập sâu đến 1m. Mãi đến chiều ngày 27/5, TP Hà Nội mới chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương lắp đặt hệ thống máy bơm cho những điểm ngập lụt tại đây. Theo đó, nước ở đây đang được khẩn trương bơm ra kênh La Khê.
Trong khi đó, Ban quản lý khu chung cư Dương Nội khẳng đinh hệ thống thoát nước của khu chung cư không có vấn đề gì. Hiện tại, Ban quản lý khu chung cư này đang phối hợp với UBND quận Hà Đông để tìm những giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, theo tìm hiểu ý kiến từ một số chuyên gia, vấn đề bắt nguồn từ lỗ hổng quy hoạch cốt nền đô thị. Đây là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng úng ngập. Đặc biệt với Hà Nội, hiện nay vẫn tiêu nước bằng thế năng tự nhiên (dựa vào sự chênh lệch mực nước giữa các khu vực). Đây là phương án thoát nước tiết kiệm chi phí, nhưng địa hình Hà Nội lại không thuận lợi cho phương án này. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như: Việc bê tông hóa, lấp áo hồ... đã khiến khi có mưa lớn kéo dài dẫn đến úng ngập.
Không chỉ người dân khu chung cư HH2 mà một số người dân sống quanh khu vực này cũng cho biết: Gần một tuần nay, việc đi làm, đưa đón con đi học rất vất vả, phải lội qua những khu vực ngập nước, nhiều lần xe chết máy đành phải dắt bộ đi về.
Mưa lớn 40 phút, hệ thống thoát nước “về mo”!
Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, sau khi nắm được thông tin dự báo từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Từ nay đến 6/6 mưa nhiều tại Bắc Bộ trong đó Hà Nội đêm và sáng nhiều mây, chiều tối đề phòng có dông lớn... nhiều người dân Hà Nội có nhà ở vùng dễ bị ngập lụt lại sống trong thắc thỏm âu lo.
Trước đó trả lời báo chí trong cuộc họp giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về giải pháp chống ngập toàn thành phố Hà Nội.
Giải pháp cụ thể được ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra với 3 kịch bản để giảm thiểu tình trạng ngập lụt.
Tình huống 1: Dự báo mưa vừa (trên 50 mm/2h). Huy động lực lượng ứng trực tại các vị trí có địa hình trũng, sử dụng các phương tiện cơ giới thông tắc, bơm hút nước, tăng nhanh thời gian thoát nước tại các khu vực cục bộ có địa hình trũng.
Tình huống 2: Dự báo mưa to (50-100 mm/2h). Vận hành tối đa công suất của Trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt (khi nước tại đập Thanh Liệt bắt đầu chảy vào khu vực nội đô thì đóng đập). Đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng như: Thụy Khuê; Phạm Văn Đồng; Núi Trúc; Trường Chinh, Phan Bội Châu…
Tình huống 3: Dự báo mưa rất to (trên 100 mm/2h). Phối hợp với Sở NN&PTNT để điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành. Vận hành tối đa Trạm bơm Yên Sở để hỗ trợ tiêu nước cho sông Nhuệ, khu vực quận Hà Đông. Các trạm bơm khác vận hành 100% công suất để tiêu nước nước nội thành ra sông Hồng và sông Nhuệ...
Ông Võ Tiến Hùng cho rằng, với những trận mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn dưới 40 phút sẽ gây quá tải cho hệ thống thoát nước thành phố. Trận mưa vừa qua gây ngập úng nhiều điểm ở Hà Nội đã nói lên điều này. Chính vì vậy, để đối phó với mùa mưa năm nay cần có những giải pháp tối ưu hạn chế thấp nhất ngập lụt và rủi ro có thể xảy ra.